Nhằm phát huy tinh thần
trách nhiệm, ý thức của mỗi đoàn viên, CNVCLĐ trong việc tham gia đóng góp ý kiến
của mình trên tất cả các lĩnh vực, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh
nghiệp, LĐLĐ tỉnh và các cấp công đoàn đã chú trọng đến việc triển khai thực hiện
Quy chế dân chủ cơ sở (QCDCCS), góp phần tạo nên những tác động tích cực trong
quá trình phát triển chung của tỉnh.
Bằng những nội dung,
hình thức hoạt động phù hợp với thực tế cơ sở, việc thực hiện QCDCCS ở các cơ
quan, đơn vị, doanh nghiệp đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng khối đoàn
kết, đem lại hiệu quả cho công việc chuyên môn cũng như hoạt động sản xuất,
kinh doanh. Từ đó, xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa, xây dựng mối quan hệ lao động
hài hòa, ổn định và tiến bộ, đảm bảo lợi ích của người sử dụng lao động và NLĐ.
Theo đó, khối các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, việc công đoàn phối hợp
chính quyền nghiêm túc tổ chức các hội nghị cán bộ, công chức để NLĐ phát huy
trí tuệ tập thể, thảo luận và quyết định quy chế làm việc, quy chế chi tiêu nội
bộ, nâng lương, khen thưởng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức theo
đúng quy trình. Đối với khối doanh nghiệp thì các cấp công đoàn cũng phát huy
vai trò qua phối hợp người sử dung lao động tổ chức hội nghị NLĐ theo hướng
ngày càng dân chủ, thiết thực, phục vụ hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh,
chăm lo tốt hơn đời sống người lao động. Phần lớn các doanh nghiệp công khai
minh bạch để NLĐ biết các nội dung về phương hướng, nhiệm vụ phát triển sản xuất,
kinh doanh; các quy chế tài chính, chi tiêu, lương, thưởng...; đồng thời, thông
qua việc thực hiện QCDCCS, cán bộ, công nhân viên và NLĐ được bàn bạc, tham gia
ý kiến, phát huy quyền làm chủ, khả năng lao động sáng tạo; ngăn ngừa những biểu
hiện tiêu cực trong sản xuất, kinh doanh, tạo không khí dân chủ, cởi mở, ổn định
để phát triển sản xuất, kinh doanh, nhằm tăng năng suất, nâng cao đời sống NLĐ.
Đối thoại để giải quyết những khó khăn, vướng mắc và tạo sự đồng thuận trong
quan hệ lao động.

Ảnh:
Hội nghị hội nghị Viên chức, người lao động
năm học 2020 - 2021
Dưới sự chỉ đạo của
LĐLĐ tỉnh, 100% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã triển khai các văn bản của
LĐLĐ tỉnh đến các CĐCS trực thuộc. Từ đó, các CĐCS đã chủ động phối hợp chính
quyền cùng cấp, người sử dụng lao động sửa đổi, bổ sung và ban hành QCDCCS; xây
dựng kế hoạch tổ chức hội nghị dân chủ và tổ chức lấy ý kiến NLĐ để chuẩn bị
các nội dung đối thoại, thương lượng ký mới, ký bổ sung các điều khoản có lợi
cho NLĐ vào các bản thỏa ước lao động tập thể tại đơn vị. Trong 6 tháng đầu năm
2020, đã có 1133/1372 đơn vị
khối hành chính và doanh nghiệp tổ chức hội nghị dân chủ (đạt tỷ lệ 83%), trong đó khối các cơ quan đạt tỷ lệ 100%, khối
doanh nghiệp đạt tỷ lệ 50%; các doanh nghiệp tổ chức đối thoại đạt tỷ lệ 50%.
Đã có 391 bản Thỏa ước
lao động tập thể được ký kết, số lượng bản Thỏa ước lao động tập thể có chất lượng
được nâng lên với nhiều nội dung có lợi hơn cho NLĐ. Đồng thời, hoạt động thông
qua tổ chức đối thoại cũng được chú trọng: từ đầu năm 2020 đến nay đã có 240 cuộc
đối thoại định kỳ và đối thoại đột xuất giữa công nhân, lao động và chủ doanh
nghiệp. Từ đó, người sử dụng lao động và NLĐ đã cùng nhau chia sẻ, giải quyết
được những khó khăn, vướng mắc tại doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận trong
mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Ảnh : Hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy,
chính quyền huyện với hiệu trưởng, chủ tịch Công đoàn trên địa bàn huyện Nghi Lộc.
Để tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong xây dựng và thực
hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, trong thời gian tới, LĐLĐ tỉnh tiếp
tục chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh chủ động tham gia và phối hợp
với chính quyền, chuyên môn đồng cấp phát huy tốt dân chủ ở cơ
sở, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ, phát huy
tinh thần đoàn kết trong các cơ quan, đơn vị, tạo động lực quan trọng để cơ
quan, đơn vị, doanh nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra.
Thanh Tùng
|